Ở bài trên, mình đã nói vì sao học sinh tiểu học cần phải được luyện viết và luyện viết văn miêu tả từ sớm. Nhưng vấn đề là dạy con thế nào để con viết một cách dễ dàng và viết hay? Rất nhiều phụ huynh đến trung tâm thường than phiền vì con viết lâu và khó khăn, câu thì cụt lủn và dễ mắc phải hàng loạt lỗi ngô nghê. Lớp 3 mà con phải viết bài văn, đoạn văn ngắn thì thường là văn của mẹ và cô giáo chứ không phải văn của con. Tất cả điều đó là vì sao?
- Trước hết, đó là vì, khi đứng trước một đối tượng miêu tả, trẻ em không biết phải tả những khía cạnh nào? Nhưng vướng mắc này thường được thầy cô giáo hoặc bố mẹ giải quyết qua việc hướng dẫn quan sát và lập dàn bài. Ví dụ, tả cây hoa thì học sinh phải tả thân cây, lá cây, bông hoa, cánh hoa, nụ hoa.....
- Khi có dàn bài rồi, học sinh cũng không dễ dàng viết thành nổi một bài văn. Vướng mắc ở đây là thế nào? Dường như nhiều người nghĩ rằng cứ có dàn bài là viết được 1 bài văn rồi. Điều này hoàn toàn không đúng với trẻ em. Bài văn là ghép lại của các đoạn văn, đoạn văn thực chất là ghép lại của các câu, câu là ghép lại của các từ. Với vốn từ miêu tả ít ỏi của mình con viết thành câu đã khó khăn chứ đừng nói gì đến viết cả một đoạn và cả một bài. Thế nhưng bao nhiêu giáo viên dạy tiểu học có ý thức cung cấp vốn từ miêu tả cho các con? (Ở đây cần phân biệt vốn từ miêu tả có sức gợi tả với vốn từ chỉ thuần mang tính chất miêu tả thông báo: ví dụ khi tả hoa "nở", bản thân từ nở chỉ mang tính thông báo, nhưng từ "bung nở, hé nở, xòe nở, bung cánh, hé cánh, xòe cánh" lại là từ miêu tả gợi tả. Bản thân từ "xanh" chỉ miêu tả nhưng không gợi tả, nhưng "xanh biếc, xanh lam, xanh ngọc, xanh mướt" là đã gợi tả sinh động hơn hẳn "xanh" rồi). Bao nhiêu giáo viên yêu cầu con luyện viết câu thật nhiều trước khi yêu cầu học sinh viết đoạn văn miêu tả, bài văn miêu tả. Và phát triển vốn từ như thế nào, luyện viết câu thế nào cho khoa học và hiệu quả? Thường đề thi và đề kiểm tra yêu cầu tả đối tượng nào thì giáo viên chỉ luyện tả cho con đối tượng đó sau đó yêu cầu con học thuộc. Cách học như vậy chỉ giúp con được điểm tốt trên lớp nhưng lại không giúp phát triển ngôn ngữ và tư duy cho học sinh.
- Về liên tưởng và tưởng tượng thì lại càng "thê thảm" hơn. Học sinh nào đến trung tâm cũng có cái vốn tưởng tưởng "như nhau": Viết câu so sánh thì lúc nào cũng "Mặt trời thì đỏ rực như quả cầu lửa", "Mảnh trăng cong cong như lưỡi liềm" "Mảnh trăng cong cong như trái chuối", "trăng tròn như quả bóng" hay thậm chí "mảnh trăng cong cong như con tôm" (câu này các con học từ câu "Cầu Thê Húc cong cong như con tôm" trong sách giáo khoa... Cái vốn liên tưởng của các em thật ít ỏi và hầu như lúc nào cũng theo kiểu liên tưởng hình dạng với hình dạng. Ở đây, mình có một vài gợi ý để các con viết câu so sánh, nhân hóa dễ dàng hơn:
"Chẳng hạn, viết tiếp câu: "Hồ nước.........." sử dụng phép so sánh, nếu chỉ so sánh hình dạng, học sinh thường viết được:
"Hồ nước như chiếc gương bầu dục khổng lồ" (cái này học tập từ câu tả hồ Gươm)
Chúng ta có thể gợi ý học sinh so sánh ở các khía cạnh khác để học sinh thỏa sức sáng tạo. Ví dụ so sánh để gợi tả trạng thái yên lặng cuả hồ nước. So sánh: “Hồ nước lặng yên" với trạng thái "lặng yên" của con người. Các mẹ có thể hỏi con: "Khi nào con người lặng yên" và học sinh hoàn toàn có thể liệt kê là " khi ngủ, khi nhớ, khi buồn, khi mơ mộng, khi nhớ..." Như vậy con có thể viết được rất nhiều câu:
Hồ nước lặng im như chìm vào giấc ngủ
Hồ nước lặng im như đang mơ mộng tới bầu trời/ tới những đám mây trắng, tới những cánh chim...
Hồ nước lặng im như đang buồn bã điều gì
Hồ nước lặng im như đang nhớ những vì sao lấp lánh buổi đêm....
Điều này trẻ con nước ngoài được hướng dẫn và được khơi gợi rất nhiều: Chính vì vậy các học sinh nước ngoài có thể viết những câu rất hay: Bầu trời trầm ngâm như nhớ tới tiếng hót của chú chim sơn ca...
Những chú chim cất tiếng hót ríu rít như vui mừng chào đón ngày mới/ chào đón mặt trời/ chào đón những tia nắng đầu tiên ấm áp...
Tóm lại, để các con viết văn miêu tả tốt, các con phải được sống trong thế giới tràn đầy liên tưởng, để con mơ mộng với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, để các con cảm nhận được cái hay của từ, của câu văn hay...
Trở lại với các câu văn của so sánh ở trên, giáo viên hoàn toàn có thể gợi mở cho các con viết sinh động hơn:
Trăng tròn như quả bóng màu bạc, mềm mại trên bầu trời.
Mảnh trăng cong cong như con thuyền trôi trên biển sao...
(Lê Thị Thu Ngân)