logo nextnobels

Hệ thống học - luyện tiếng Việt lớp 3, 4, 5 và phát triển ngôn ngữ

Tin tức Happy Way

Một vài gợi ý về việc hướng dẫn con học tốt văn miêu tả

Được tạo ngày Thứ bảy, 21 Tháng 11 2015 10:15
MỘT VÀI GỢI Ý 
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CON HỌC TỐT VĂN MIÊU TẢ
 

Kính gửi : Các bậc Phụ huynh Học sinh

Để học tốt văn miêu tả, ngoài cảm xúc còn cần rất nhiều yếu tố. Đó là vốn sống, là những trải nghiệm thực tế, là vốn đọc giúp phát triển từ ngữ và cách diễn đạt, là cảm xúc trước đối tượng được miêu tả… Vì vậy, nhiều bạn viết văn chưa tốt chính là do con chưa được hình thành đầy đủ các yếu tố trên. Ngay cả cảm xúc cũng là một yếu tố không phải tự nhiên có mà thường được hình thành khi trẻ được tiếp xúc, hoặc được khơi gợi, đánh thức qua các câu chuyện….

Khóa học Luyện viết văn miêu tả & Phát triển Ngôn ngữ của Next Nobels đã cố gắng bù đắp những thiếu sót này cho các con. Trong khóa học, các con đã được hướng dẫn cách viết câu văn miêu tả hay; cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật để lời văn sinh động hấp dẫn; cách triển khai các ý tưởng; cách đọc sách và ghi chép; cách quan sát và cảm nhận để tăng cường vốn sống, phát triển cảm xúc… Tuy nhiên vốn đọc và vốn sống là cả một quá trình tích lũy mà hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người có thể bổ sung hàng ngày cho con mình. Để mỗi câu văn con viết ra bộc lộ một cách sinh động cái nhìn, suy nghĩ, cảm xúc chân thật của con, cha mẹ nên tham khảo một vài gợi ý nhỏ dưới đây.

I. CÙNG CON QUAN SÁT, TRẢI NGHIỆM
  1. Cùng chụp ảnh, quay phim

Hãy để con cầm máy, bởi vì chụp ảnh, quay phim là một cách con lưu giữ tư liệu đồng thời thể hiện sự quan sát và cái nhìn của con về cuộc sống. Cũng là chụp cảnh đoạn đường từ nhà đến trường, có bạn thích chụp những tòa nhà, cửa hiệu hiện đại, có bạn lại chụp những gánh rong trên vỉa hè, những ngôi nhà tập thể cũ rêu phong.  Có bạn thích chụp cảnh động như cảnh cổng trường giờ tan học hay cảnh mua bán ở chợ; có bạn lại thích cảnh tĩnh, một gánh hàng hoa hay hàng cây ven đường trong ánh nắng cuối ngày…Cha mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận được cái nhìn, sở thích, tâm hồn của con mình qua các bức ảnh, đoạn phim ấy. Và những hình ảnh đó cũng chính là những tư liệu sống động khi con viết văn. Không nhất thiết phải có những chiếc máy chuyên dụng, chỉ cần một máy ảnh cá nhân hay điện thoại di động của cha mẹ là đã có thể giúp các con “tác nghiệp”. Đến khi nào con biết phải chụp ở góc độ nào cho cảnh đẹp, đứng ở góc nào để lấy sáng…thì bố mẹ hãy tin chắc rằng con sẽ viết được những câu văn đẹp!

  1. Cùng trò chuyện, ghi chép

Hàng ngày, khi cùng con đi đến đâu đó (đi học, đi chợ, đi tập thể dục, đi dạo, đi tham quan, du lịch…), cha mẹ hãy cùng con thi kể về những thứ mình nhìn thấy xem ai “thấy” nhiều hơn. Có thể kể theo chủ đề, ví dụ: Tên các loại cây trong công viên; những thứ ánh sáng trong công viên lúc chiều muộn hoặc tối; những hàng ăn ở công viên… Phương pháp này nhằm giúp trẻ luyện thói quen quan sát, tích lũy tư liệu, tạo nền tảng cho những bài văn chân thực, sinh động. Sau đó, bố mẹ hãy hỏi con về điều gì gây ấn tượng nhất với con theo chủ đề đó (cảm xúc yêu thích hoặc ngược lại…), vì sao con lại cảm thấy thế? Sau cùng, hãy yêu cầu con ghi chép lại những thứ con thấy và cảm xúc con đã có. Nếu bố/mẹ cũng có sổ tay ghi chép, cùng ghi với con, rồi nhờ “ trọng tài” trong gia đình chấm điểm thì con sẽ hào hứng hơn nhiều. Việc ghi chép sẽ giúp con tập diễn đạt lại những gì mình quan sát, cảm nhận được, qua đó, hình thành dần kĩ năng viết cho con.
Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con không chỉ ghi lại những gì con nhìn thấy mà cả những gì con cảm nhận được bằng nhiều giác quan. Ví dụ: Trên đồi cỏ trong công viên, không gian phảng phất mùi hương dịu ngọt từ những đóa ngọc lan tây đầu mùa chớm nở… (Cảm nhận bằng khứu giác).

II. ĐỌC SÁCH CÙNG CON

Đọc sách không chỉ giúp con có thêm hiểu biết, mở mang trí tuệ về nhiều lĩnh vực mà còn giúp con khơi gợi cảm xúc, học được cách diễn đạt của nhà văn…Với mục đích đọc sách để phục vụ cho việc học văn miêu tả, cha mẹ nên tìm chọn cho con những cuốn sách có nhiều yếu tố tả (câu văn nhiều tính từ tái hiện các đặc điểm của sự vật; có các hình ảnh nhân hóa, so sánh; có những nhận xét thú vị) và hướng dẫn con đọc theo những bước dưới đây:

Bước 1. Đọc và tìm những câu văn miêu tả hay, ghi chép ra một cuốn sổ tay văn học. Ví dụ: Trong cả đoạn văn dưới đây, đoạn được in nghiêng là đoạn văn miêu tả hay, các con nên ghi lại vào sổ tay văn học.

“Bà Rachel khẽ gõ cửa và bước vào khi được mời. Bếp ở Chái Nhà Xanh là một gian phòng vui mắt, hay có lẽ sẽ vui mắt nếu nó không sạch như ly như lau cứ như một phòng khách chưa từng dùng tới. Cửa sổ trổ theo hướng Đông và Tây nhìn ra khoảng sân sau tràn ngập nắng tháng Sáu ngọt ngào, nhưng cửa sổ hướng Đông, nơi từ đó ta có thể thấy thấp thoáng những cây anh đào nở hoa trắng muốt trong vườn cây ăn quả phía bên trái và những cây phong mảnh dẻ dịu dàng cúi đầu trong thung lũng ven dòng suối, lại xanh mướt những cây nho quấn quýt. Marilla Cuthbert ngồi đó, như bà vẫn thường ngồi, lúc nào cũng tỏ ra hơi nghi ngờ cái ánh nắng mà theo bà có vẻ là một thứ quý tùy biến và vô trách nhiệm trong thế giới mọi thứ đều phải nghiêm chỉnh này; Và giờ đây bà đang ngồi đan ở đó, sau lưng là chiếc bàn dọn sẵn cho bữa tối…”

(Trích “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”– L.M.Montgomery)

Bước 2. Gạch chân dưới những từ/ cụm từ con thấy hay nhất, thích nhất trong câu văn ấy. Ví dụ: “Cửa sổ trổ theo hướng Đông và Tây nhìn ra khoảng sân sau tràn ngập nắng tháng Sáu ngọt ngào, nhưng cửa sổ hướng Đông, nơi từ đó ta có thể thấy thấp thoáng những cây anh đào nở hoa trắng muốt trong vườn cây ăn quả phía bên trái và những cây phong mảnh dẻ dịu dàng cúi đầu trong thung lũng ven dòng suối, lại xanh mướt những cây nho quấn quýt.”

Bước 3. Khuyến khích con đặt một câu văn mới với từ hay cụm từ vừa gạch chân. Ví dụ: Câu 1: Trên sân trường, ánh nắng tháng Giêng ngọt ngào làm bừng sáng lên màu xanh ngọc của những búp bàng non.

Câu 2: Xa xa, rặng liễu dịu dàng cúi đầu xuống mặt hồ xanh thẳm.

* Chú ý: Các bậc phụ huynh có thể tham khảo video: “Giúp con học tốt văn miêu tả” trên website:phattrienngonngu.com (Video được thực hiện bởi VTV2 Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Ngôn ngữ - Công ty CPGD Phát Triển Trí Tuệ & Sáng tạo Next Nobels/Điện thoại: 0936738986).

Để con học tốt văn miêu tả thật ra cũng không cần đòi hỏi ở cha mẹ quá nhiều, chỉ là sự để ý rèn giũa ngay trong những sinh hoạt hàng ngày. Một chút thời gian mỗi ngày cha mẹ dành cho con giúp con có được nhiều bài học quý giá không chỉ trong viết văn mà còn trong cuộc sống.

Chúc cả gia đình có những trải nghiệm thú vị bên nhau!

Trân trọng!

Th.S Trần Thị Mai Phương 


Các tin liên quan

Xem thêm

Liên hệ
Hỗ trợ và mua sản phẩm

NV Tư Vấn 1

0919.56.36.11

NV Tư Vấn 2

0936.738.896

Đăng ký
nhận tư vấn

Xem thử Phần mềm