Guồng quay cuộc sống hiện đại dường như cũng làm bọn trẻ sống hời hợt, thiếu tinh tế trong quan sát vạn vật xung quanh. Trăn trở với suy nghĩ đó đã thôi thúc cô giáo Trần Thị Mai Phương và Lê Thị Thu Ngân mở lớp dạy viết văn miêu tả cho học sinh tiểu học. Ở lớp học này, trẻ được tham gia những chuyến dã ngoại thực tế để cảm nhận cuộc sống bằng mọi giác quan.
"Cây gì mà quả có cuống..."
Buổi học bắt đầu ở vườn cây của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Các học sinh trong lớp viết văn miêu tả của Trung tâm luyện thi và phát triển ngôn ngữ (Công ty Cổ phần giáo dục phát triển trí tuệ và sáng tạo Next Nobels) được cô giáo Trần Thị Mai Phương hướng dẫn quan sát các cây xanh, từ loại cây, đặc điểm, màu sắc, hình dáng hoa, cây, lá... và dùng tất cả các từ ngữ có thể để ghi chép lại những gì mình quan sát được. Các em nhỏ hào hứng, say sưa tìm hiểu, hỏi, quan sát, ghi chép.
Có bạn chỉ tay về phía một cây cau và reo lên thích thú với sự phát hiện của mình: "Ôi, cây chuối kìa". Một bạn chỉ lên cây dừa và cố nhớ tên của nó: "Cô ơi, cây gì nhỉ, cây mà có quả uống được í". Bạn khác lại nhớ đến một loại cây có quả mình đã được tiếp xúc nhưng không nhớ tên: "Cô ơi, cây gì mà quả có cuống?". Với câu hỏi này, cô giáo cũng đành... bó tay.
Những quan sát thực tế như thế này giúp cho sự phát triển trí tưởng tượng phong phú của các em. Nếu không tận mắt nhìn thấy những bông hoa dâm bụt, chắc chắn các em không thể nào có được sự cảm nhận về cánh hoa "mỏng tang", "mong manh" hay hình ảnh so sánh "hoa dâm bụt như đốm lửa bùng cháy trên cây". Màu tím hoa chân vịt cũng được mỗi em cảm nhận mỗi khác, từ "tím biếc", "tím nhạt", "phơn phớt tím"... Ngoài việc quan sát những chi tiết để miêu tả cây lá, các em còn quan sát cả những chi tiết sinh động xung quanh như một cánh bướm, một con giun, tiếng gió, tiếng chim, tiếng máy xén cỏ...
Cô Mai Phương chia sẻ: "Trẻ thành phố thường ít chú ý quan sát, thiếu cảm nhận tinh tế, có lẽ vì không được gần gũi với thiên nhiên. Những chuyến dã ngoại thế này giúp các con được hòa mình vào với không gian nhiều cây xanh, được quan sát, cảm nhận trực tiếp. Bài tập đưa ra không chỉ là miêu tả những gì mình nhìn thấy, mà cả những gì nghe được, sờ thấy được, cảm nhận được, thậm chí là nếm được...".
Cô giáo Mai Phương đang giới thiệu với học sinh các loại cây trong vườn. |
"Bài học từ chuyến dã ngoại này yêu cầu các em quan sát, cảm nhận và ghi chép lại được càng nhiều càng tốt. Các em sẽ phải kể lại, viết lại một đoạn văn về những gì mình cảm nhận được từ chuyến đi. Điều đó giúp các em rèn luyện khả năng quan sát và từ đó làm phong phú hơn những bài văn miêu tả của các em sau này". Cô giáo Trần Thị Mai Phương |