Theo Khoa học và Đời sống : Thể nghiệm của cô Trần Thị Mai Phương, giám đốc Công ty CP Giáo dục Phát triển Trí tuệ và Sáng tạo Next Nobels, về cách dạy văn kiểu dự án cho thấy đây là một phương pháp hiệu quả, hiện đại, làm cho môn văn thực sự gần gũi và có ích với học sinh.
Học tranh cử và làm hướng dẫn viên
Khi dạy văn thuyết minh, cô Phương đã cho học sinh chia thành hai nhóm, đi thực tế ở Bảo tàng Dân tộc học. Một nhóm có “Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch”, nhóm còn lại có “Một ngày làm giám đốc dự án”. Nhóm 1 đã đến Bảo tàng tìm hiểu trước về các dân tộc mà mình được giao thuyết minh, lên mạng tra cứu thêm thông tin để bài nói của mình thêm hấp dẫn. “Ngay cả bản thân tôi cũng bất ngờ với phần trình bày của các em, những câu chuyện độc đáo, thú vị liên quan đến các dân tộc thiểu số đã thu hút rất nhiều khách tham quan đến nghe. Bất ngờ hơn là các em còn thuyết trình bằng cả tiếng Anh khi có khách nước ngoài”, cô Mai Phương chia sẻ cảm nhận về công việc của nhóm 1. Trong khi đó nhóm 2 không chỉ nghiên cứu trước các vấn đề trong bảo tàng mà còn khảo sát cả khu vực xung quanh xem có thể mở rộng phát triển về hướng nào, lập bản kế hoạch tài chính dự trù vốn đầu tư...
Với phương pháp dự án, cô Mai Phương đã biến những giờ học chay nhàm chán thành những giờ hoạt động sôi nổi cho học sinh. “Khi học văn nghị luận xã hội, có lẽ là thể loại mà không ít học sinh khác nghe đã “sợ” vì sự khô cứng của nó, chúng em được cô cho thực hành tranh cử chức khối trưởng, lớp trưởng. Chúng em đã vận dụng cách thuyết phục mọi người của văn nghị luận, đưa ra lời kêu gọi, hứa hẹn những điều sẽ làm khi ở cương vị mới...Cuộc vận động tranh cử diễn ra rất sôi nổi, qua đó chúng em không chỉ học được văn nghị luận mà còn biết cách giao tiếp trước công chúng, rèn luyện được sự tự tin trong cuộc sống”, học sinh Nguyễn Thu Phương chia sẻ.
Điều tra ngôn ngữ teen
Ngay đối với môn Tiếng Việt, cô Mai Phương cũng sáng tạo các hoạt động dạy và học áp dụng cách dạy theo dự án. “Tôi quan niệm, dạy tiếng Việt là để các em biết cách sử dụng tiếng Việt đúng và hay. Tôi hướng các em quan tâm đến các hiện tượng ngôn ngữ trong đời sống và trong bài viết của các em để đưa ra những giải pháp hữu ích”. Như khi dạy bài Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, ngoài việc so sánh để thấy được sự khác biệt và có cách dùng đúng hai phong cách ngôn ngữ này, cô đã giao cho học sinh dự án “Điều tra ngôn ngữ tuổi mới lớn”. Các nhóm được giao nhiệm vụ tập hợp, thống kê, phân loại những cách diễn đạt khác biệt của lứa tuổi này, phát hiện ra những quy luật trong ngôn ngữ ấy; làm phóng sự, lấy ý kiến của mọi giới về phong cách ngôn ngữ của các em.
“Trong quá trình làm việc, chúng em đã phát hiện ra được quy luật biến âm, cách viết tắt, cách nói giàu hình ảnh, thích ví von, so sánh của teen. Từ dự án điều tra ấy, chúng em tự rút ra được bài học cho chính mình, cách nói nào của mình được ủng hộ, nên phát huy, cách nào cần loại bỏ, khắc phục để làm ngôn ngữ học đường thêm trong sáng”, một học sinh trong nhóm, chia sẻ.
Một dự án khác mà cô Phương và các học sinh đều thực sự hào hứng là “tổ chức làm lại quảng cáo trên truyền hình”. Theo đó, bài Quảng cáo trong chương trình Ngữ văn 10 được cô và trò triển khai dưới hình thức chọn những quảng cáo trên truyền hình mà mình thấy chưa thực sự hấp dẫn, phân tích hạn chế của nó rồi tổ chức làm lại. “Các nhóm tự lên ý tưởng, rồi nộp lại cho giáo viên để sửa, góp ý thêm, sau đó các em sẽ lên kế hoạch quay clip. Bước cuối cùng, các nhóm tự tìm cách liên hệ với phòng kinh doanh sản phẩm, thuyết minh về dự án của mình. Tuy chưa có công ty nào mua lại clip quảng cáo của các em nhưng sự khen ngợi của họ về ý tưởng đã động viên cô trò chúng tôi rất nhiều”, cô Mai Phương cho biết.
"Dạy học kiểu dự án là một phương pháp dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong trong toàn bộ quá trình học tập. Kết quả dự án là những sản phẩm có thể trình bày, giới thiệu". |
(Theo Khoa học và Đời sống)